Không được như những giống chó khác, Poodle có một cơ thể yếu ớt và dễ mắc bệnh. Và nếu bạn không nắm rõ những căn bệnh mà Poodle thường gặp thì sẽ phải chịu rất nhiều chi phí cho việc chữa bệnh, chăm sóc chúng cũng như hối tiếc về những hậu quả sau này.
Trong bài viết dưới đây, Milu Xinh sẽ cung cấp cho bạn kiến thức nhất định về 3 chứng bệnh phổ biến, dễ nhầm lẫn và gây nguy hiểm ở chó Poodle, từ đó giúp bạn chủ động trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng chó cưng của mình.
Nội dung
Poodle bị nôn
Chó bị nôn là hiện tượng các chất bị đẩy ra khỏi miệng một cách không mong muốn, dưới lực tác động và co bóp của các cơ dạ dày.
Đa phần nếu bạn hiểu và nắm rõ được tình hình cũng như xử lý kịp thời thì sẽ không sao nhưng ngược lại có thể gây ra hậu quả khó lường, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của Poodle.
Một số trường hợp nôn ở Poodle bạn cần biết
Poodle nôn ra thức ăn
Đây là trường hợp thường thấy nhất ở Poodle cũng như các giống chó khác. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này không có gì phức tạp và đáng lo. Đơn giản là vì chú chó của bạn ăn thức ăn quá nhanh, quá nhiều trong thời gian ngắn, hệ tiêu hóa hoạt động không kịp hoặc thức ăn có chứa lông của động vật khác.
Triệu chứng dễ nhận biết chính là chó hay chảy nước bọt, thức ăn chưa được tiêu hóa sẽ bị nôn ngược trở ra, kèm theo cơn run rẩy mỗi lần nôn.
Poodle nôn ra dịch vàng
Khi nhìn thấy chó bị nôn ra dịch vàng thì điều này có nghĩa Poodle của bạn đang gặp vấn đề về sức đề kháng. Có thể do một vài nguyên nhân sau:
- Trong hoạt động thường ngày, chó nuốt phải những vật cứng, vật lạ có hại cho hệ tiêu hóa.
- Thực đơn thiếu dinh dưỡng kéo dài lâu ngày dẫn đến việc Poodle bị thiếu hụt vitamin B1.
- Ăn nhầm phải những thức ăn đã để lâu ngày, bốc mùi ôi thiu hoặc có trộn bả chuột.
- Chó bị cảm lạnh, viêm phổi.
Bạn có thể nhận biết trường hợp này thông qua trạng thái dịch mà cún nôn. Theo đó, khi nôn ra, dịch có màu vàng, dạng lỏng và có mùi hôi.
Khi xuất hiện hiện tượng nôn ra dịch vàng, ảnh hưởng xấu nhất với các bé Poodle là bỏ ăn, thường xuyên bị tiêu chảy và nôn liên tục. Việc không thể hấp thụ thêm dinh dưỡng do bỏ ăn khiến chó luôn trong tình trạng mệt mỏi, suy kiệt, di chuyển không vững, nhất là ở chi sau. Bạn cũng sẽ thấy bụng chó hóp lại, phần da xung quanh mắt nhăn nheo và trũng xuống.
Poodle nôn ra dịch trắng
Khác với nguyên nhân nôn ra dịch vàng bắt nguồn từ yếu tố bên ngoài, hiện tượng này thường xuất phát từ bản thân chó nhiều hơn. Tiêu biểu như:
- Trong cơ thể Poodle có chứa kí sinh trùng hoặc vi khuẩn gây hại (thường do Poodle của bạn chưa được tẩy giun theo định kì).
- Nhiễm các bệnh nguy hiểm, đặc biệt là Care và Parvo. Cả hai hiện nay đều chưa có thuốc chữa trị và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chó.
- Bị ngộ độc, bị nhiễm khuẩn về đường tiêu hóa, viêm mật, viêm tụy hoặc viêm đường ruột.
Dịch trắng ở đây thường là nước bọt có màu trắng đục, dạng nhầy. Bên cạnh đó, Poodle của bạn cũng có thể đi ngoài có bọt, dạng sền sệt và bốc mùi hôi khó chịu.
Những ảnh hưởng đối với Poodle khi nôn ra dịch trắng cũng giống như dịch vàng. Ngoài ra, phần nướu răng của Poodle sẽ chuyển sang màu xanh xám hoặc vàng. Chó cũng sẽ thường xuyên liếm môi, mũi vì bị khô do thiếu nước, nuốt nước bọt với tần suất nhanh. Đặc biệt, khi mắc các bệnh Care và Parvo, đi kèm với nôn, chó sẽ sốt cao, co giật, đi ngoài ra máu. Điều này cho thấy chú chó của bạn đang gặp nguy hiểm và bạn cần nhanh chóng đưa bé đến bác sĩ thú y.
Poodle nôn ra máu
So với những trường hợp trên, chó bị nôn ra máu là trường hợp nguy hiểm nhất. Khi đó, thân nhiệt của Poodle tăng cao bất thường. Thay vì hóp lại như những trường hợp trên, phần bụng dưới của chó có dấu hiệu phình to hơn.
Nếu gặp hiện tượng này, bạn cần ngay lập tức đưa Poodle đến phòng khám thú y gần nhất để xác định nguyên nhân và chữa trị kịp thời. Nếu không, rất có thể cún cưng của bạn sẽ khó lòng qua khỏi đấy.
Ngoài những nguyên nhân trên, bạn cần lưu ý một số yếu tố khách quan khác cũng có thể khiến Poodle bị nôn như:
- Chế độ và khẩu phần ăn thay đổi đột ngột (thường xảy ra với những bé Poodle con được chủ mới nhận nuôi)
- Phản ứng sau khi tẩy giun
- Hậu quả sau phẫu thuật, ảnh hưởng của thuốc trong quá trình điều trị
- Say xe do Poodle không quen với việc ngồi trên xe lâu
- Sốc nhiệt do chó vận động quá lâu dưới trời nắng hoặc nhiệt độ môi trường tăng cao đột ngột
Chữa trị và chăm sóc Poodle khi bị nôn
Chữa trị khi Poodle bị nôn
Thông thường, cách hiệu quả và an toàn nhất chính là đưa Poodle của bạn đến phòng khám thú y để có chẩn đoán bệnh chính xác và chữa trị kịp thời.
Tuy vậy, nếu trong trường hợp nguy cấp và không đủ thời gian để đưa bé đến bác sĩ thú ý, bạn có thể tự mình xử lý bằng cách mua một số loại thuốc như Cimetidine, Penicillin G, Streptomycin. Nếu Poodle bị sốt hãy dùng Dimedrol, Promix. Ngoài ra, cung cấp thêm vitamin B1 và C. Muốn giúp chó lại sức thì dùng Ringer Lactat, Glucose, …
Chăm sóc Poodle khi bị nôn
Điều đầu tiên bạn cần lưu ý là chế độ ăn của Poodle. Bạn cần loại bỏ tất cả các thức ăn mà chó đã ăn gần nhất vì đó có thể là nguyên nhân dẫn đến bé bị nôn. Tuyệt đối không cho chó ăn trong vòng 12 tiếng sau khi nôn, rất dễ khiến tình trạng tồi tệ hơn. Thay vào đó, cho chúng những viên nước đá để liếm hoặc uống nước, một tiếng một lần. Sau khoảng thời gian đó, bắt đầu cho chó ăn lại với thức ăn nhẹ như trộn cơm với thịt ức gà, 1-2 tiếng một lần. Khi cơn nôn mửa hoàn toàn chấm dứt, bạn có thể cho Poodle quay lại chế độ ăn thông thường vào ngày tiếp theo.
Ngoài ra, bạn cần giữ ấm cho Poodle và cố gắng để chúng được thoải mái. Nếu thấy chó run rẩy, hãy đắp thêm chăn hoặc lót đệm sưởi. Bên cạnh đó, hãy lấy khăn ấm lau qua vết bẩn còn sót lại ở khóe miệng và lông. Bạn cũng cần vệ sinh chỗ chó nằm và nôn sạch sẽ bằng Cloramin B 0,5%, Cresy 1-2%, nước vôi 10%,…, tẩy rửa các dụng cụ mà chó hay tiếp xúc.
Biện pháp phòng ngừa Poodle bị nôn
- Hạn chế thay đổi chế độ ăn và khẩu phần ăn một cách đột ngột. Bạn có thể tham khảo thêm cách cho Poodle ăn để đảm bảo thực đơn của mình luôn lành mạnh, khoa học.
- Không để Poodle gặm, nuốt hoặc ăn những đồ chơi, đồ ăn có hại cho hệ tiêu hóa của chúng, đặc biệt là xương.
- Sử dụng rọ mõm để tránh việc chó ăn phải thức ăn lạ ngoài đường.
- Đưa Poodle đi khám và tiêm phòng, tẩy giun định kỳ.
Poodle bị tiêu chảy
Tiêu chảy là một trong những bệnh thường gặp ở Poodle, đặc biệt với các bé chó con. Đây không phải là căn bệnh quá nguy hiểm nhưng nếu không tìm ra nguyên nhân và xử lý kịp thời thì hậu quả sẽ rất khó lường, thậm chí đe dọa đến tính mạng của chúng.
Nguyên nhân Poodle bị tiêu chảy
Nguyên nhân do thức ăn
Thức ăn là nguyên nhân đầu tiên và thường thấy nhất gây nên hiện tượng này ở Poodle. Khẩu phần ăn của chó bị thay đổi đột ngột, hệ tiêu hóa lại quá yếu và nhạy cảm không thích nghi kịp hoặc cho ăn quá nhiều khiến chúng không tiêu hóa được đều có thể dẫn đến tiêu chảy. Ngoài ra, những loại thức ăn nhiễm bẩn, không hợp vệ sinh như thức ăn thừa, thức ăn hỏng, ôi thiu hoặc thức ăn không dành cho chó cũng có thể là tác nhân gây bệnh.
Những chú chó thường thích bới rác tìm đồ ăn và Poodle cũng không ngoại lệ. Khi đó, nếu bạn không để ý, chó sẽ rất dễ ăn phải rác hoặc uống phải nước bẩn, rất có hại cho hệ tiêu hóa và khiến chúng bị tiêu chảy.
Nguyên nhân do stress
Những bé Poodle con 2-3 tháng tuổi được xuất chuồng về với chủ mới thường sẽ buồn bã, ủ rũ, thậm chí mệt mỏi do nhớ mẹ, nhớ đàn và chưa quen với môi trường mới. Khi đó, một số phản ứng nhẹ ở đường ruột sẽ dẫn đến tiêu chảy.
Ngoài ra, thay đổi thời tiết hoặc bị nhốt trong lồng quá lâu cũng có thể là lý do khiến Poodle căng thẳng quá độ và gặp phải tình trạng này.
Nguyên nhân do các bệnh khác
- Bệnh do virus: Care, Parvo, viêm gan (Hepatitis), viêm ruột…
- Bệnh do vi khuẩn: E.coli, Leptospira, Salmonella,…
- Bệnh do kí sinh trùng: giun, sán, Giardia…
Tất cả những bệnh kể trên đều hết sức nguy hiểm, đặc biệt với Care và Parvo bởi không có thuốc chữa trị. Nếu không nhanh chóng phát hiện, chẩn đoán và can thiệp kịp thời, tình trạng bệnh có thể nặng lên, thậm chí khiến Poodle tử vong.
Bên cạnh tiêu chảy, bạn có thể dựa vào những biểu hiện sau để kết luận liệu Poodle của bạn có đang mắc phải những bệnh lý nghiêm trọng này hay không:
- Chó đi ngoài ra máu có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Phân dạng dịch nhầy, hôi tanh, có màu đỏ của máu hoặc nâu sẫm. Bé có thể kêu la hoặc tỏ vẻ rất đau đớn khi đi vệ sinh.
- Chó bỏ ăn, chỉ uống mỗi nước. Luôn trong tình trạng mệt mỏi, thường xuyên nằm, ít di chuyển.
- Chó nôn mửa nhiều, kèm theo triệu chứng run rẩy.
- Chó sốt cao trên 40 độ C, đi kèm co giật, nặng hơn có thể hôn mê.
- Phần bụng xuất hiện các nốt phát ban, thỉnh thoảng ho mạnh.
Cách xử lý khi Poodle bị tiêu chảy
Bù nước kịp thời
Vấn đề nguy hiểm nhất khi Poodle bị tiêu chảy chính là tình trạng mất nước, đặc biệt khi chúng bỏ ăn, nôn mửa kéo dài. Khi đó, chó sẽ mất đi một lượng đáng kể các chất điện giải và khoáng chất. Điều này dẫn đến các dấu hiệu khô miệng, da mất đàn hồi, mắt trũng, nghiêm trọng hơn là trụy mạch và tử vong. Cho nên, điều bạn cần làm trước tiên là nhanh chóng bù nước cho Poodle của mình.
- Trường hợp mất nước nhẹ, không bị nôn, bạn có thể cấp nước bằng cách pha dung dịch điện giải C-Electrolytes cho chó uống. Nếu bé không uống được thì dùng ống tiêm hút dung dịch rồi bơm vào miệng với công thức 1-2 ml/ kg thể trọng/ giờ tùy vào tình trạng mất nước.
- Nếu tiêu chảy đi kèm với nôn mửa thì bạn không nên cấp nước cho Poodle bằng đường miệng vì sẽ càng kích thích chó nôn nhiều hơn. Cách tốt nhất là tiêm truyền cho bé theo các đường: tiêm dưới da, tiêm xoang bụng, truyền tĩnh mạch.
Chế độ ăn
Chế độ ăn cho Poodle trong khoảng thời gian này vô cùng quan trọng. Bạn nên kiêng cho chó ăn trong vòng 12 tiếng để ruột được nghỉ ngơi và có thời gian phục hồi. Thay vào đó cho bé uống nhiều nước sạch hoặc những viên nước đá để liếm. Trong quá trình kiêng ăn, nếu Poodle có biểu hiện mệt mỏi thì có thể cung cấp dung dịch đường Glucose.
Sau khi hết thời gian kiêng ăn trước tiên nên cho bé ăn lại bằng chế độ ăn nhạt, dễ tiêu hóa. Có thể cho chó ăn cháo với một ít thịt gà nấu nhừ, khoai tây nghiền, cơm trắng nấu mềm, đặc biệt tránh ăn các loại thịt đỏ, thức ăn làm từ sữa và chứa nhiều chất béo. Nên cho ăn chia thành nhiều bữa trong ngày với khẩu phần nhỏ để dạ dày có thể hấp thu được hết. Duy trì chế độ ăn này khoảng 3 – 5 ngày tiếp theo trước khi cho ăn bình thường trở lại.
Poodle tiêu chảy nên uống thuốc gì?
Bạn có thể bổ sung Probiotic, một loại vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa bằng cách trộn vào thức ăn 1 lần/ ngày. Tùy vào mức độ nặng nhẹ, có thể cho chó uống thêm các loại thuốc kháng sinh: Ampicillin, Gentamicin, Doxycycline, Enrofloxacin, Colistin, Tetracycline…
Lưu ý: Đối với bệnh tiêu chảy thông thường (do thức ăn hoặc stress), bạn chỉ cần làm các bước kể trên là đủ. Ngoài ra, theo dân gian lưu truyền, một số loại lá cây như lá nhọ nồi, lược vàng, lá ổi… cũng có khả năng chữa bệnh tiêu chảy cho chó.
Tuy vậy, nếu Poodle nhà bạn tiêu chảy do các bệnh truyền nhiễm kể trên thì bạn cần đưa bé đến bác sĩ thú y sớm nhất có thể để có sự can thiệp và chữa trị kịp thời. Nếu để lâu sẽ gây nguy hiểm cho chó.
Phòng bệnh tiêu chảy ở Poodle
- Chế độ ăn uống hợp lý: Hình thành cho Poodle thói quen ăn đúng giờ, đúng bữa và đủ bữa. Tránh việc thay đổi khẩu phần ăn đột ngột, hạn chế cho ăn các loại thức ăn khó hấp thụ như xương, chất béo. Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề vệ sinh đối với thức ăn, nước uống.
- Giữ môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát: Chỗ ở của Poodle cần phải luôn rộng rãi, thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Bạn nên thường xuyên vệ sinh và khử độc định kỳ 1-2 tháng/ lần.
- Thường xuyên đưa chó ra ngoài vận động: Điều này vừa giúp các bé tăng khả năng đề kháng, vừa để chúng dạn người hơn. Cần liên tục chú ý tránh để Poodle ăn phải vật lạ.
- Tiêm phòng và tẩy giun định kỳ.
Poodle bị ho
Nguyên nhân Poodle bị ho
Do Poodle bị mắc dị vật
Nếu bỗng nhiên Poodle ho khạc dữ dội thì nhiều khả năng đó là biểu hiện của tình trạng chó bị mắc dị vật. Dị vật được nhắc đến ở đây có thể là xương, đồ chơi hoặc những vật cứng và sắc nhọn khác, bị chó nuốt phải khi ăn hoặc chơi đùa. Những vật này gây đau và vướng víu ở phần cổ họng dẫn đến việc Poodle sẽ ho để đẩy dị vật ra.
Đi kèm với ho khạc, Poodle cũng có thể bị nôn ói. Khi đó, bạn rất dễ nhầm lẫn với những bệnh lý khác ở chó. Vì vậy, để xác định xem có đúng Poodle có đang bị vướng dị vật hay không, bạn có thể cho chúng ăn món ăn yêu thích. Nếu chó cố gắng ăn nhưng nuốt rất khó khăn, thậm chí không thể nuốt được thức ăn thì khả năng cao là bé đã bị mắc dị vật. Muốn chính xác hơn, bạn cần đưa chó đến trung tâm thú y gần nhất để được thăm khám, kiểm tra.
Do Poodle bị cảm lạnh
Ho cũng là một trong những triệu chứng của bệnh cảm lạnh do thời tiết, do chỗ ở không đủ ấm hoặc chó phải tắm nước lạnh và không được sấy khô sau khi tắm. Đi kèm với triệu chứng này là một số biểu hiện khác như chảy nước mũi, run rẩy, uể oải, đờ đẫn, mệt mỏi, lười vận động. Chó chán ăn, ăn kém, thậm chí bỏ ăn. Ngoài ra, chó có thể nôn mửa, tiêu chảy, thân nhiệt hạ.
Khi Poodle bị cảm lạnh mà có dấu hiệu ho khạc, ho khan thì chứng tỏ căn bệnh này đã chuyển sang giai đoạn nặng hơn, khó chữa hơn.
Do Poodle bị viêm đường ruột hoặc viêm gan
Những bệnh liên quan đến các cơ quan tiêu hóa cũng có thể là nguyên nhân khiến Poodle bị ho. Với bệnh viêm đường ruột, ngoài ho, chó sẽ có những triệu chứng nghiêm trọng hơn như tiêu chảy, nôn ói, mệt mỏi, bỏ ăn, đi ngoài ra máu hoặc có lẫn máu trong phân kèm theo mùi hôi tanh khó chịu…
Đối với bệnh viêm gan, Poodle sẽ gặp phải tình trạng sốt, kết mạc mắt bị viêm, amidan sưng. Nếu để ý, bạn sẽ thấy chó bị chướng bụng, thỉnh thoảng có biểu hiện đau thắt.
Do Poodle bị ngộ độc thực phẩm
Poodle có khả năng bị ngộ độc thực phẩm khi chẳng may ăn phải thức ăn ôi thiu, biến chất, quá hạn hoặc tệ hơn có chứa hóa chất độc hại. Khi đó, chó sẽ đau bụng, buồn nôn dữ dội. Đi kèm sẽ là việc ho khạc do vướng nhiều dịch nhầy trong cổ họng sau mỗi lần nôn.
Do Poodle bị bệnh ho cũi chó
Bệnh ho cũi chó thực chất là bệnh viêm phế quản – cuống phổi, một loại bệnh về đường hô hấp thường gặp và dễ lây nhiễm ở chó. Đa số các bé cún dưới 6 tháng tuổi đều bị bệnh này ít nhất 1 lần trong đời.
Nguyên nhân gây ra bệnh này chủ yếu là do virus Canine parainfluenza đơn độc, hoặc kết hợp một số vi khuẩn khác ở đường hô hấp như Bordetella bronchiseptica, Mycoplasma.
Khi mắc bệnh này, Poodle sẽ có triệu chứng ho khạc kéo dài trong khoảng 7 – 12 ngày, tiếng ho nghe như tiếng ngỗng kêu. Ngoài ra, chó sẽ hắt hơi, kèm theo chảy dịch xanh, mắt có ghèn, mũi khô. Nếu nhẹ, chó sẽ ăn uống, sinh hoạt bình thường nhưng nếu nặng hơn, chúng sẽ sốt cao, bỏ ăn và hôn mê. Khi đó, bạn cần đưa ngay Poodle của mình đến bác sĩ thú y.
Điều trị chứng ho ở Poodle
Việc xử lý khi Poodle bị ho nên dựa trên tình trạng của chúng: nguyên nhân, triệu chứng, mức độ nặng nhẹ… Tốt nhất bạn nên đưa chó đến trung tâm thú y gần nhất để chẩn đoán bệnh và có sự can thiệp, chữa trị phù hợp.
Tuy nhiên với những tình trạng nhẹ, bạn có thể tự chữa trị cho các bé tại nhà nhưng tốt hơn hết là dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ. Cần lưu ý một số điều sau đây để Poodle nhanh khỏe lại:
Lưu ý:
- Giữ chó ở nơi khô ráo, ấm và đặc biệt kín gió.
- Tuyệt đối không đưa chó ra ngoài trong thời gian bị bệnh. Cách ly chó bị bệnh với những chú khỏe mạnh khác trong nhà.
- Dùng hơi nước để làm dịu khoang họng của chó bằng máy làm ẩm hoặc nước sôi để hơi nước bốc lên (gần giống với xông hơi ở người).
- Tránh xa khói thuốc và những chất độc hại, có mùi khó chịu khác.
- Có thể dùng thuốc giảm ho nhưng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ thú y.
Bạn cần theo dõi sát sao tình trạng bệnh của Poodle. Nếu sau 1 tuần, tình trạng không được cải thiện thì phải đưa ngay đến bác sĩ thú y, tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
Thông thường khi bị ho, trong khoảng 3 tuần sau điều trị thì chứng bệnh này sẽ chấm dứt, riêng đối với những con có sức đề kháng yếu (chó già, chó con vài tuần tuổi) thì có thể kéo dài hơn khoảng 6 tuần. Một vài trường hợp cá biệt là chú chó của bạn vẫn có thể lây lan sang cho những con vật nuôi khác ngay cả khi chúng đã khỏi bệnh hoàn toàn.
Phòng ho cho Poodle bằng cách nào?
- Tiêm vaccine phòng bệnh 6 tháng/ lần, ngay cả với chó trưởng thành.
- Tẩy trùng khu vực nuôi chó thường xuyên.
- Giữ ấm cho chó, nuôi ở nơi khô ráo, ăn uống hợp lý và đủ chất để tăng sức đề kháng.
- Tránh đưa chó đến những nơi công cộng, tập trung nhiều động vật.
Như vậy, Milu Xinh đã cung cấp cho bạn những kiến thức cần thiết để có thể kịp thời phát hiện, bước đầu phân biệt được 3 chứng bệnh trên và chủ động trong việc chăm sóc, chữa trị cho Poodle nếu mắc phải. Ở bài viết sau, chúng mình sẽ tiếp tục cung cấp cho bạn thông tin về những chứng bệnh da liễu thường gặp ở chó Poodle. Bạn hãy đón đọc nhé!
Xem thêm: Bắt bệnh chó Poodle: Viêm da, Ghẻ, Rụng lông & cách chữa trị (P2)